Quần thể nhà thờ Phát Diệm : Kiến trúc độc đáo hài hòa Đông Tây

Quần thể nhà thờ Phát Diệm: Kiến trúc hài hòa độc đáo Đông-Tây

Mai Trần – Y Nguyên

Nhà thờ Phát Diệm mà tôi đi thăm gần đây để lại cho tôi một  ấn tượng sâu sắc, một công trình kiến trúc văn hóa hài hòa Đông-Tây và đặc biệt tài năng Việt hóa đạo Công giáo vào cuối thế kỷ 19 của Giám Mục Trần Lục

Cách Hà Nội khoảng 120 km thuộc huyện Kim Sơn, tình Ninh Bình, khu quần thể nhà thờ Phát Diệm là một điểm son đặc biệt của kiến trúc đình chùa Viêt Nam phối hợp với phong thủy và kiến trúc nhà thờ phương Tây,

Lúc  ở trung học, tôi chỉ biết thoáng qua danh từ Phát Diệm, Búi Chu do cuộc di cư của người Công Giáo tránh Cộng Sản vào Nam năm 1954.  Một số đông nhừng người này được định cư ở vùng Hố Nai, Gia Kiệm ở Biên Hòa và Xóm Mới Gò Vấp . Tôi ở Xóm Gà, thường đi  về hướng Bà Chiểu Đakao, nhưng thỉnh thoảng tôi ngược lên mạn Gò vấp, nhất là những dịp gấn Tết  đi  Xóm Mới để mua pháo. Tên Xóm Mới vì ngày xưa vùng này hoang vắng rồi được Phủ Tổng Uỷ Di Cư chọn làm khu vực định cư cho người Bắc vào Nam, người dân địa phương gọi là Xóm Mới dần dà rồi thành tên chính thức luôn (người Nam có sao nói vậy người ơi ấy mà ! ) Đại đa số là người Công Giáo di cư từ Bùi Chu Phát Diêm vào. Đối với tôi Xóm Mới  gắn liền với pháo và thịt chó.

Nhưng một trong những thú vị hồi hộp nhất  là đi Xóm Mới  mua pháo cấm, không hiểu sao mặc dù có lệnh cấm mà  thiên hạ vẩn đi mua lén,  đốt lén, quả thật tật lâu ngày khó bỏ. Nói chung ở miền Nam,  giao thừa nào cũng có đốt pháo, thi nhau đốt pháo,  giàu thì đốt cả dây (vài chục phút) nghèo thì đốt vài phong (vài phút)  thỉnh thoảng xen lẩn có tiếng đi đùng của những cây pháo to, pháo đại  được nối xen lẩn vào dây pháo. Chính những cây pháo này đã gây nhiếu tại nạn, hỏa hoạn. Mùa pháo nào cũng có cháy nhà vì làm pháo lậu. Có lần cháy rất lâu vì xe cứu hỏa không vào được  hẽm để chữa cháy.  Năm Mậu Thân 1968  lợi dụng cơ hội Tết, trong khi miền Nam mọi người đang đón Xuân thì  Hà Nội xua quân tổng tấn công 44  tỉnh thành gây ra bao nhiêu tang tóc và thảm họa cho người miền Nam.

Rồi địa danh Xóm Mới Hố Nai Bùi Chu Phát Diệm mờ dần vì theo nỗi thăng trầm trong cuộc sống đổi đời…

Tôi trở lại Hà Nôi , đi thăm Phát Diệm địa điểm lịch sử  có khu nhà thờ Thiên Chúa Giáo La Mã Phát Diệm gắn liền với tên 2 vị giám mục Trần Lục và Lê Hữu Từ, riêng ở Sài Gòn, Trần Lục là tên một trường trung học nam di cư từ Bắc vào. Lúc mới vào trường Trấn Lục không có cơ sở riêng phải tạm trú tại trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu ở Tân Định

Là người “ngoại đạo nhưng tin có Chúa ngự trên cao “ tôi lần đến  Phát Diệm với tâm tình một  người đi tìm và kiểm nghiệm lại quá khứ nhưng là một bất ngờ thú vị nhìn thấy một công trình kiến trúc văn hóa có tầm vóc quốc tế này, một kỳ quan du lịch của Việt Nam, và có lẽ điểm hành hương quan trọng cho người Công Giáo.

Đưòng vào nhà thờ không cho tôi cái cảm giác yên tỉnh, cho đến khi môt khuôn viên có hồ to hiện ra trước mắt với một kiến trúc độc đáo ẩn hiện phía sau mà tôi chưa hề thấy ở những nơi khác, kiến trúc đình thờ

Bước vào trong khuôn viên, bỏ lại thế gìới nhộn nhịp bên ngoài,  cảm giác thoải mái yên tỉnh theo từng bước chân của người du khách.

Tập thể nhà thờ Phát Diệm rộng khoảng 22 ha (mẩu tây) gồm 1 nhà thờ chính toà và 5 nhà thờ nhỏ nằm chung quanh trong một khuôn viên có  môt hồ, có nhà chuông (Phương Đình) , 3 hang đá và nhà chung

Hình 1:  Khuôn viên quần thể nhà thờ Phát Diệm

Quần thể là một kiến trúc độc đáo dung hòa kiến trúc và văn hóa Đông Tây.  Đây là một kiến trúc nhà thờ chỉ có duy nhất ở Việt Nam. Nhìn từ xa ta thấy hình ảnh của nhà thờ soi bóng nước. Nằm trước Phương Đình, hồ rộng khoảng 400m2,  giữa hồ có một đảo nhỏ khoảng 40m2  với  tượng chúa Giê Su.

Hình 2 . Phương Đình soi bóng nước

Sự kết hợp hài hòa đặc biệt với kiến trúc đền chùa khiến ta có thể ngộ nhận, nếu không nhìn thấy thánh giá trên mái, hay tượng thánh, chúa . Do ảnh hưởng truyền giáo Tây phương,  phấn lớn kiến trúc nhà thờ ở Việt Nam chịu ảnh hưởng kiến trúc nhà thờ  Tây phương- Romanesque-Gothique style ( xin xem phần phụ lục  phía dưới )
Trong khoảng sân rộng trước khi bước vào Phương Đình có hai bức tượng đứng hai bên, bên mặt thánh Phao Lồ, bên trái thánh Phê Rô

Hình 3. Thánh Phê Rô                                                  Thánh Phao Lồ

Phương Đình

Phương Đình là môt kiền trúc bằng những tảng đá ghép, có ba tầng. Tầng mặt đất ở giữa có một sập đá xanh nguyên khối, trên tường  có chạm trổ, điêu khác tinh xảo hình chúa Jesus và các thánh. Tường xung quanh là những phù điêu chạm trổ hình chấn song cửa sổ với cây trúc lá trúc . Mái cong giống mái đình chùa lại có bốn vị thánh đứng bốn góc, phục sức giống nhà sư, nhìn chung có dáng dấp của kiến trúc tam quan đình chùa.

Tầng giữa có một chiếc trống và tầng cao nhất có chuông lớn. Trên cửa chính có biển đề 4 chữ Hán : Thánh Cung Bảo Tòa.

 

Hình 4 .Mặt tiến Phương Đình với 4 chử Hán-Thánh Cung Bảo Tòa

Hình 5. Nhà thờ Chính Tòa Đức Mẹ Mân Côi

Phía sau Phương Đình có mộ cha Trần Lục  mở ra môt sân rộng lát đá đưa khách vào nhà thờ chính tòa. Kiến trúc độc đáo được xây dựng năm  1891, dài 74m, rộng 21m và cao 15m với bốn mái nhà uốn cong và 5 vòm cửa, mặt tiền nhà thờ  có khắc hình hoa Cúc, Sen, Đào…Trên vòm cửa chính có chạm trổ trên đá bụi hoa Mân côi (Rosary), nhánh Mân côi chen lẫn các thiên thần.

Trong nhà thờ có 6 hàng gỗ lim (52 cột), 16 cột giữa mỗi cây có chu vi 2.6m cao 11m nặng 7 tấn, trên cột có khắc chữ La tinh chìm “Pax Domini”

Các cột khác đều được chạm trổ điêu khắc. Cung Thánh cao hơn lòng nhà thờ, có một bàn thờ bằng đá phiến, chân bàn thờ được chạm trổ hình cây trúc tinh vi. Phía sau và là bức gỗ điêu khắc sơn son thiếp vàng với hình ảnh Thiên chúa nằm giữa và các thánh hai bên.

Không khí trang nghiêm và an lành theo ánh sáng mờ ảo  làm cho lòng người dịu xuống, lắng đọng. Bước ra ngoài  ánh sang chan hòa đưa ta đến phía bên phải là nhà nguyện thánh Rô Cô ( Saint Roch) và nhà nguyện chúa Giê Su (Jesus)


Hình 6. Nhà nguyện thánh Rô Cô  (St Roch)

Hình 7. Bên trong nhà nguyện thánh Rô Cô

Phía sau nhà nguyện thánh Rô Cô  là nhà nguyện chúa Giê Su Jesus

Hình 8. Nhà nguyện trái tim chúa Giê Su ( Sacred Heart)


Phiá bên trái của nhà thờ lớn là nhà Nguyện thánh Giu Se (St Joseph)


Hình 9. Nhà nguyện thánh Giu Se ( St Joseph)

Nhà thờ này được xây dựng năm 1896, toàn bằng gỗ lim , cột hình bát giác có chạm hình hoa lá, có những phù điêu bằng đá ghi sự tích Thánh gia thành Nazareth.

 Phía sau nhà nguyện thánh Giu Se là nhà nguyện thánh Phê Rô

Nhà nguyện Phê Rô  (St Pierre) xây dựng năm 1895 làm bằng gỗ mít và đá, có nhiều chạm trổ giống như bức rèm vén lên không hết

 

Hình 10. Nhà nguyện thánh Phê Rô

Hình 11. Nhà nguyện trái tim Đức Mẹ – nhà thờ đá

Nhà nguyện trái tim Đức Mẹ còn gọi là nhà thờ đá vì đây là nhà thờ  được xây đầu tiên trong khuôn viên quấn thể nhà thờ Phát Diệm năm 1883, nằm phía tây bắc, trước nhà khu nhà chung duy nhất xây toàn bằng đá, tường, nền , chấn song, cột, bản phù điêu, bàn thờ bởi nhưng bàn tay tuyệt xão của thợ đục, điêu khắc đá, kiến trúc sư thời bấy gìờ.


Hình 12. Phía  trong nhà nguyện trái tim Đức Mẹ 

Mặt tiền có tháp Đức Mẹ và hai tháp nhiếu tầng ở hai bên, tháp Đức Mẹ có khắc tiếng Việt  “Trái Tim Rất Thánh Đức Bà Chẳng Hề Mắc Tội Tổ Tông Truyền Cầu Cho Chúng Tôi”

Hình 13. Măt tiền khắc chữ Việt

Cha Trần Lục

Cha Trần Lục người huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, tên thật là Phê Rô Trần Văn Hữu, theo học đạo từ năm 15 tuổi, dưới thời vua Tự Đức bài đạo, cha bị đày ở Lạng Sơn, nơi đây ông được làm phó Tế, tức là chức Sáu, giáo dân quen gọi ngài là cụ Sáu. Sau này vua Tự Đức ân xá và cải tên ngài thành Trần Lục (phải chăng lục là sáu). Từ năm 1865 đến 1899 ngài là cha sở Phát Diêm. Cũng nên biết vùng Kim Sơn Phát Diệm do Tiên Điền Sứ Nguyễn Công Trứ, một viên quan tài đức lúc bấy giờ khai phá.

Cha Trần Lục là người đứng ra xây khu nhà thờ Phát Diệm, ông là một kỳ tài về xây dựng, kiến trúc am hiểu chuyện đạo và đời lúc bấy giờ. Ông bỏ ra 10 năm để hoạch định công trình xây dựng kể cả ngân sách và vật liệu xây cất. Ngài phối hợp kiến trúc nhà thờ Tây Phưong với kiến trúc đình chùa ở Việt Nam một cách tài tình trong sứ mạng Việt hóa Thiên Chúa Giáo ở Viêt Nam.

Không những ông là một kiến trúc sư, nhà xây cất đại tài mà ông còn làm quan dưới thời Tự Đức, Đồng Khánh, Lễ Bộ Thượng Thư dưới triều vua Thành Thái, Phát Diệm Nam Tước dưới thời vua Khải Định và được trao tặng Ngũ đẳng và Tứ đẳng Bội Tinh. Ngài mất 1899 , hưởng thọ 74 tuổi.

Để tưởng nhớ công ơn ngài,  trường trung học Trần Lục được khai sinh năm 1950. Năm 1954 trường theo giáo dân di tản vào Nam và tạm trú tại trường Nguyễn Đình Chiểu Tân Định. Đến năm 1971 thì  chuyển đến khu vực cư xá sỉ quan Chí Hòa ( quân 10 Sài Gòn) với tên mới là Nguyễn Du .

Mộ cha Trần Lục nằm trước nhà thờ lớn và ngay sau ngõ chính của Phương Đình

 

Hình 14. Bia và mộ cha Trần  Lục an vị trước nhà thờ chính tòa

Phụ lục

Đặc tính của Kiến Trúc nhà thờ Tây Phương

Đặc tính của Romanesque là kiến trúc nữa vòng cung như mặt tiền của Vương Cung Thánh Đường ở Lisbon, Portugal, thông dụng cho đến thế kỷ 12

Đặc tính của Gothique  là kiến trúc mặt tiền có mủi đỉnh nhọn (điển hình nhà thờ Rheims ở Pháp) và trần của mái bên trong hình vòm cung với những đường gân xòe rất thịnh hành từ thế kỷ 12 đến 16

Mái trong nhà thờ Gothique ở Nuremberg

Đặc tính của Renaissance-Phục Hưng là kiến trúc có mái tròn (dome)  điển hình là Vương Cung Thánh Đường St Peter ở Rome. Rất thịnh hành khoảng thế kỷ 15-17  thời này các kiến trúc sư thường kết hợp những cột đá tròn kiểu Hy Lạp La mã như Tuscan, Doric , Ionic, Corithian và Composite trong việc xây dựng đền đài, nhà thờ.

Vương Cung Thánh Đường St Peter ở Rome

Kiến trúc Byzantine bắt đầu từ đế quốc nồi tiếng Byzantine bao gồm các xừ Ý, Hy Lạp và các xứ nằm quanh Địa Trung Hải  cách đây 1500 năm có nguồn gốc từ  đế quốc Đông La Mã, đặt thủ đô  tại Constantinople ( bây gìớ là thành phố của Thổ Nhĩ Kỳ).

Đặc tính của Byzantine architecture là lòng nhà thờ nhỏ, không thông suốt như Romanesque-Gothique. Mái nhà thờ có một hay nhiều vòm.  Kiến trúc Byzantine vẩn còn lưu lại ở những xứ Đông Âu, Hy Lạp, Nga, Thổ Nhỉ Kỳ


Hagia Sophia  ở Istanbul- Turkey .

 

Hàu hết càc nhà thờ ở Việt Nam xây cất  theo kiếu Romanesque-Gothique do ảnh hưởng Pháp, tiêu biểu là nhà thờ Đức Bà ở Saigon hay nhà thờ Lớn ở Hà Nội


Bên trong va bên ngoài nhà thờ Đức Bà Sài Gòn 

Bên trong và bên ngoài nhà thờ Lớn Hà Nội

Y Nguyên Mai Trần


One Comment on “Quần thể nhà thờ Phát Diệm : Kiến trúc độc đáo hài hòa Đông Tây”

  1. Kim Bồng says:

    Ninh Bình là quê tôi, nơi tôi ở từ 1946 đến 1950. Vậy mà chưa từng được thấy nhà thờ này, cho mãi đến năm 2002, khi tôi về thăm quê. Bây giờ trong ký ức tù mù của tôi cũng chỉ còn lờ mờ vài hình ảnh nhợt nhạt cùng với chút bùi ngùi thương nhớ còm cõi héo hắt.
    Cám ơn tác giả.


Leave a comment